Tin tức

Nước nhiễm thạch tín ở Hà Nội lại lên báo nước ngoài

Theo khảo sát ở làng Vạn Phúc (cách trung tâm Hà Nội 9km): Nước ngầm ở đây đang bị nhiễm độc thạch tín, một số giếng nước lượng thạch tín cao hơn mức an toàn từ 10-50 lần.

• Nguyên nhân: Bơm hút nước quá nhiều khiến nước từ tầng nước ngầm chứa thạch tín thấm ngược lại vùng nước an toàn. Trong 40-60 năm qua, nước từ tầng nước ô nhiễm gần sông đã dịch chuyển sâu vào nội địa khoảng 2.000m.

• Lo ngại: Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch lắp đặt nhà máy lọc nước, nhưng nhiều người dân ở ngoại thành và vùng lân cận vẫn sinh hoạt bằng nguồn nước giếng tư nhân đang khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Trầm tích thạch tín bị rửa trôi từ dãy Himalaya từ rất nhiều năm trước đã bao phủ nhiều vùng rộng lớn ở châu Áu, kéo dài từ Pakistan đến Trung Quốc và Việt Nam. Khi lượng thạch tín này ngấm vào tầng nước ngầm, như đã xảy ra ở Bangladesh, nó có thể gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, gây ra nhiều bệnh tật và nguy hại đến tính mạng con người.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã cho biết tầng nước ngầm, hiện là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thủ đô Hà Nội (Việt Nam) đang bị ngấm thạch tín. 

Nghiên cứu này, được thực hiện bởi các nhà khoa học Việt Nam hợp tác với các nhà nghiên cứu đến từ Lamont – Doherty Earth Observatory thuộc Đại học Columbia, Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Vanderbilt. Nhà tài trợ chính của nghiên cứu là Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Ông Alexander Van Geen (tác giả chính của nghiên cứu) cùng các đồng nghiệp, trong đó có nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã tiến hành khảo sát 31 giếng nước trong khu vực làng Vạn Phúc (Đông Nam, cách trung tâm Hà Nội 5,5 dặm ~ 9km) trong nhiều năm. 

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể chỉ ra tầng nước ngầm từng sạch trước đây đã bị ô nhiễm”, ông Alexander Van Geen, tác giả chính của nghiên cứu, nhà địa hóa học của Đại học Columbia. Nghiên cứu cũng đã được xuất bản trên tạp chí Nature.

tap-chi-nature-nuoc-ngam-o-ha-noi-nhiem-thach-tin

Từ trái sang phải: Một người khoan giếng, ông Benjamin Bostick (đồng tác giả nghiên cứu) và ông Nguyễn Ngọc Mai đang làm việc ở một giếng nước nhiễm thạch tín gần làng Vạn Phúc.

Kết quả là: nồng độ thạch tín trong nước ở các giếng tư nhân tại phía Tây làng Vạn Phúc chỉ dưới 10 microgram/1 lít nước. Các giếng ở phía Đông có nồng độ thạch tín trong nước cao gấp 10 – 50 lần mức cho phép. Tức là, có hai tầng ngầm nước của Vạn Phúc bị nhiễm thạch tín.

Họ nhận thấy những khu vực gần Hà Nội, vùng trầm tích hiển thị màu cam an toàn, còn những vùng gần sông, biểu đồ nhiều màu xám và chứa nhiều thạch tín hơn. 

Thông thường, mực nước cao trong vùng nước ngầm an toàn sẽ chảy về hướng sông, vùng nước ô nhiễm gần sông sẽ được giữ lại tại chỗ. 

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng,việc bơm nước quá nhiều khiến quá trình bị đảo ngược. Các tầng nước an toàn đang hút nước từ các khu vực ô nhiễm và từ nguồn nước sông chảy ngấm ngược vào. 

Sử dụng kĩ thuật phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong 40-60 năm qua, nước từ tầng nước ô nhiễm gần sông đã dịch chuyển sâu vào nội địa khoảng 2.000m. Cùng thời gian đó, lượng thạch tín đáng kể đã dịch chuyển theo vào sâu nội địa khoảng 120m, nhưng với tốc độ chậm hơn  từ 16 – 20 lần. Tức là, nước từ tầng nhiễm thạch tín và từ sông Hồng gần đó đã chảy vào tầng ít có thạch tín. 

Rất may là chất độc này đang di chuyển chậm hơn so với những gì các nhà khoa học lo ngại, và thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều năm hoặc vài thập kỷ tới để đưa ra các biện pháp cải thiện và bảo vệ nguồn nước. 

Việc thạch tín ngấm vào nước ngầm còn phụ thuộc vào sự cân bằng của lượng sắt trong đất và lượng carbon tạo ra do thực vật bị phân hủy, ngấm xuống tầng nước ngầm. Quá trình hóa học này, hiểu một phần nào đó thì, sắt có khả năng liên kết với thạch tín, còn carbon tạo ra khi cây cối mục nát lại hòa tan dần các chất sắt và khiến thạch tín được chuyển vào các mạch nước.

tap-chi-nature-nuoc-ngam-o-ha-noi-nhiem-thach-tin-1

Giếng tự khoan ở Vạn Phúc.

Bà Phạm Thị Kim Trang (phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên), đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng, ở khu vực ngoại thành và vùng lân cận, ngày càng có người dân sử dụng nguồn nước ngầm từ nước giếng tư nhân không qua xử lí, và “nếu người dân trong thành phố tiếp tục bơm hút nhiều nước ngầm, vấn đề về thạch tín sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.” 

Lượng thạch tín ở một số khu vực quanh Hà Nội đã cao hơn 10-50 lần mức tiêu chuẩn an toàn cho phép. Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch lắp đặt nhà máy lọc nước, nhưng nhiều người dân vẫn sinh hoạt bằng nguồn nước giếng tư nhân đang khiến tình hình nghiêm trọng hơn.  

 

 

Theo tạp chí Nature

Để lại một bình luận